Đà Lạt từ một vùng đất hoang sơ đã trở thành xứ Hoa Đào, thành phố hoa… với nhiều con đường mang tên hoa đẹp nhất: đường Tầm Xuân, đường Mai Anh Đào, đường Mimosa…
Trong thế kỷ vừa qua, một nội dung khảo cứu được các nhà khoa học đặc biệt quan tâm là tuyển chọn và ươm trồng rộng rãi các loài hoa cho thành phố du lịch và nghỉ dưỡng. Tính đến nay, hơn 1.350 loài hoa đã được khảo nghiệm thành công trên cao nguyên Lang Biang, chưa kể hơn 300 loài lan đặc sắc.
Như bất cứ nơi nào trên trái đất, người Đà Lạt cũng coi hoa hồng là “Nữ hoàng của các loài hoa”. Hoa hồng có tên chung Rosa sp, xuất xứ Bắc Mỹ và châu Á nhưng sớm được du nhập vào châu Âu… Sau ngày bác sĩ Yersin tìm ra cao nguyên Lang Biang, hoa hồng là một trong những loài hoa đầu tiên được đưa vào Đà Lạt. Sớm nhất là giống hồng Pháp Rosier rouge, hoa màu đỏ cờ, đến Đà Lạt từ cuối thế kỷ 19, được trồng trước ngôi nhà sàn có đầu tiên ở Đà Lạt, dành cho các kiến trúc sư người Pháp làm quy hoạch thành phố này; tiếp theo là hoa hồng Bắc do A. Chevalier, nhà thực vật học danh tiếng người Pháp phát hiện trên đất Kinh Bắc, nên đặt tên khoa học Rosa tonquinensis (trong đó Tonquin theo Latin là bắc Bộ)…
Ở nhiều nơi trên trái đất, Rosa villosa còn được coi là “Bài ca súc tích của tình yêu”. Gần đây, công ty Hoa Yêu Thương (TP. HCM) đã giới thiệu một chủng hoa hồng mới, đã qua quá trình chọn giống và được trồng tại Đà Lạt thuộc loài hồng này là Red Naomi, đây là một trong những giống hoa hồng có màu đỏ nhung đẹp nhất và có kích thước to nhất ở nước ta. Và, chủng hồng bạch White Lace của Dalat Hasfarm, cánh hoa trắng như viền đăng ten rất trang nhã sang trọng.
Lên Đà Lạt mùa xuân bạn sẽ có dịp đi xem hoa Phượng tím. Đây là cây cảnh quan tiêu biểu của Nam Mỹ, tên khoa học Jacaranda Mimosifolia được đưa vào Việt Nam từ đầu thập niên 1960. Ở Đông Á chỉ Đà Lạt mới có loài hoa này, nó đem lại cảm giác êm dịu và hoài niệm.
Hoa xuân Đà Lạt còn có Trà mi, được phát hiện đầu tiên ở Nhật Bản nên tên khoa học là Camellia japonica. Hoa Trà mi khiến ta nhớ tới truyện Kiều của thi hòa Nguyễn Du hay tiểu thuyết “Trà hoa nữ” của văn hào Pháp – Alexandre Dumas Fils. Hoa Trà mi đến Cầu Đất từ năm 1920, những đóa trà mi ngậm sương mai lung linh bên những đồi chè xanh tận chân trời là nét đẹp tinh tế của phố núi Nam Cao Nguyên.
Hoa Đỗ quyên là loài hoa tiêu biểu của vùng núi cao châu Á nhiệt đới, tên khoa học chung là Rhododendron sp. Ngày nay Đà Lạt là nơi có bộ sưu tập hoa đỗ quyên đầy đủ nhất gồm đỗ quyên Lang Biang có ba giống hoa: trắng, cam, hồng và các giống đỗ quyên Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Pháp nhiều màu sắc tươi tắn.
Hoa lan ở Đà Lạt có hơn 300 giống (thuộc họ Orchidaceae), trong đó có 5 loài lan rừng đã được mang tên Đà Lạt và Lang Biang như Dendrobium dalatense và Dendrobium langbianese… Đà Lạt còn nhiều loài phong lan quý: Kim diệp, Tuyết ngọc, Long tu, Thủy tiên, Bò cạp, Cẩm báo, Mỹ dung dạ hương… Và bộ sưu tập lan hài Đà Lạt đã tham gia vào quỹ gene thực vật quý hiếm của thế giới. Đặc biệt chi Cymbidium – địa lan – đã được các nhà sản xuất hoa chú ý, bao gồm nhiều giống địa lan tự nhiên và lai. Hoa địa lan có đủ các màu, trừ màu đen, sự khảm màu đã làm cho địa lan vô cùng hấp dẫn và là loài hoa bền nhất, có thể trưng từ hơn một tháng.
Cây Mimosa (thuộc chi Acacia) đã tới cao nguyên Lang Biang từ những năm đầu xây dựng. Một đồng nghiệp người Pháp đã gửi cho bác sĩ Yersin những giống Mimosa từ quê nhà… Mimosa xuất xứ châu Úc, cây dáng đẹp cành lá lấp lánh ánh bạc, hoa vàng rực rỡ nở rộ vào mùa xuân, nó biểu trưng cho tình bạn chân thành và sự cảm thông. Có lẽ vì môi trường thiên nhiên và nhân văn của Đà Lạt mà người Pháp đã gọi thành phố này là “Paris buổi chiều”, còn người Đà Lạt thì gọi mùa xuân là “mùa cây lá bạc hoa vàng” trên cao nguyên.